Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cơ khí, tiếp cận thị trường tiềm năng

Các sản phẩm cơ khí hiện đang trên đà phát triển, tuy nhiên, thách thức cùng với năng lực cạnh tranh vẫn là vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Chưa phát triển đúng tầm

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.

Ông Đào Phan Long - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - cho biết, theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2026, cơ khí vẫn là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Bởi không chỉ tạo ra máy móc, thiết bị, ngành cơ khí còn thúc đẩy sản xuất trong các ngành công nghiệp khác như ô tô, điện tử, xây dựng và nông nghiệp. Ngành cơ khí Việt Nam hiện đóng góp khoảng 16 - 17% GDP toàn quốc, đồng thời cung cấp việc làm cho hàng triệu lao động.

Tuy nhiên, vị chuyên gia chỉ ra, hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Một trong những khó khăn hàng đầu là trình độ công nghệ và năng suất lao động còn thấp. Nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước chủ yếu tập trung vào gia công, lắp ráp đơn giản thay vì phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào công nghệ và nguyên liệu nhập khẩu.

Một trong những thách thức là hiện ngành cơ khí chưa phát triển đúng tầm, khiến cho chuỗi cung ứng nội địa chưa đủ hoàn thiện. Ảnh: S.T

Một trong những thách thức là hiện ngành cơ khí chưa phát triển đúng tầm, khiến cho chuỗi cung ứng nội địa chưa đủ hoàn thiện. Ảnh: S.T

Ông Cao Văn Hùng - Giám đốc Phát triển thị trường Quốc tế, Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác Smart Việt Nam - chỉ ra những điểm vướng khiến doanh nghiệp cơ khí hiện nay đang gặp phải, đặc biệt trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới xuất khẩu. Theo đó, một trong những thách thức đối với ngành hiện nay là chưa phát triển đúng tầm, khiến cho chuỗi cung ứng nội địa chưa đủ hoàn thiện. "Việc thiếu hụt nguyên liệu và linh kiện nội địa khiến các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài, làm tăng chi phí sản xuất và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam. Đồng thời thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt" - ông Hùng nêu.

Cũng theo ông Hùng, khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không có đủ nguồn lực hoặc chưa chú trọng đến việc đầu tư vào R&D, điều này làm giảm khả năng sáng tạo và phát triển công nghệ mới, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ tới ngành cơ khí. Trong khi đó, trình độ cơ khí chế tạo, nhất là cơ khí chính xác - trụ cột của sản xuất công nghiệp - vẫn lạc hậu so với nhiều nước. Nhiều doanh nghiệp gặp không ít thách thức trong cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng…, để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tạo đà thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh

Theo đó, để phát triển sản phẩm cơ khí tại Việt Nam, nhiều năm qua, Chính phủ và các doanh nghiệp cũng nỗ lực tìm mọi giải pháp cho ngành công nghiệp này.

Cụ thể, Quyết định số 319/QĐ-TTg ngành cơ khí của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 là đến năm 2025 ngành cơ khí được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào giá trị toàn cầu; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40% tổng sản lượng ngành cơ khí, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, nhiều chuyên gia bày tỏ, doanh nghiệp cơ khí cần thêm các cơ chế khuyến khích; trong đó, ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa cho các dự án kinh tế, đầu tư trong nước. Đơn cử như ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước; những sản phẩm nào doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được và sản xuất tốt cần ưu tiên sử dụng cho các dự án, hạn chế nhập khẩu.

Chia sẻ thêm, đại diện Công ty Cơ khí Hà Nội cho rằng, Bộ Công Thương cần định hình cho doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng, phân chia thị trường để có cơ hội cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa. Sau đó, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất và cạnh tranh để từ đó tham gia chuỗi cung ứng.

Để thực sự phát triển bền vững, ngành cơ khí Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đầu tư vào R&D và tăng cường hợp tác quốc tế. Ảnh: Đ.N

Để thực sự phát triển bền vững, ngành cơ khí Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đầu tư vào R&D và tăng cường hợp tác quốc tế. Ảnh: Đ.N

Các doanh nghiệp cơ khí cũng mong muốn Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ sớm xây dựng chiến lược, quy hoạch để phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó là sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, mở rộng hợp tác và chia sẻ thị trường, mang lại sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, để phát triển công nghiệp cơ khí nói chung và công nghiệp hỗ trợ cơ khí nói riêng, Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng. Ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính… Đồng thời, tạo nhiều đơn hàng, trong đó có đơn hàng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhất là đối với các dự án đầu tư công.

Đánh giá về triển vọng, các chuyên gia cho rằng, với những nỗ lực cải thiện và sự hỗ trợ từ chính phủ, ngành cơ khí Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP đã mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để thực sự phát triển bền vững, ngành cơ khí Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đầu tư vào R&D và tăng cường hợp tác quốc tế. Chỉ khi đó, ngành cơ khí mới có thể đóng góp lớn hơn cho sự phát triển công nghiệp và kinh tế của đất nước trong tương lai.

Về phía Bộ Công Thương, theo đại diện Cục Công nghiệp, thời gian tới, sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó, có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo,…

Từ đó, đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển, tạo đà thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, hình thành thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước duy trì và mở rộng. Đó chính là tiền đề để các doanh nghiệp cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

Nguồn:https://congthuong.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-san-pham-co-khi-tiep-can-thi-truong-tiem-nang-358213.html

Được đăng vào

Viết bình luận