Phòng vệ thương mại: Vì sao ngành thép vẫn "soán ngôi"?

Nếu như trước đây các sản phẩm thép Việt Nam bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, thì nay những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu “lặt vặt” như đinh ốc, dây thép, mắc áo thép… cũng không “thoát nạn”.

Đinh ốc… cũng dính phòng vệ thương mại

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương, tháng 10/2020, sản lượng thép thô ước đạt 3.371,5 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ; thép cán ước đạt 800,1 nghìn tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 922,6 nghìn tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 0,1; 5,3% và 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trước các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Tuy nhiên hiện nay, ngành thép vẫn phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là ngành thép phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) tại các thị trường xuất khẩu khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết tháng 9/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc PVTM với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Trong đó, thép là mặt hàng có số vụ kiện PVTM nhiều nhất trong tất cả các ngành hàng hiện nay của Việt Nam (chiếm tới 39,1% trong tổng số vụ việc các sản phẩm bị áp dụng). Trong đó Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ là hai thị trường áp dụng các công cụ PVTM nhiều nhất.

“Phạm vi hàng hoá bị kiện không chỉ dừng lại ở mặt hàng xuất khẩu nhiều, mũi nhọn nữa mà những sản phẩm nhỏ, thậm chí có những sản phẩm đến lúc bị kiện rồi mới “ngớ người ra”, ví dụ như đinh ốc, hay vòng xoáy ở sách vở… cũng bị áp các công cụ PVTM, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO thông tin.

Khoanh tay đứng nhìn tiền tỷ “bốc hơi”

Nhận định về hiện trạng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu hơn vào trao đổi thương mại toàn cầu, thực thi nhiều cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA đồng nghĩa sự “va chạm” với lợi ích của các ngành sản xuất trong nước của các thị trường nhập khẩu là điều khó tránh. Vì thế, sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn những vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam với tính chất phức tạp gia tăng, đặc biệt với ngành thép.

Tuy nhiên, câu chuyện ngành thép bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thể phụ thuộc nhiều yếu tố “khách quan”, nhưng đáng quan ngại là mặc dù, tần suất các mặt hàng thuộc ngành thép liên tục “lao lý” nhưng các doanh nghiệp vẫn thờ ơ. Vậy đâu là nguyên nhân khiến doanh thương ngành thép khoanh tay đứng nhìn tiền tỷ “bốc hơi”?

Theo bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù biện pháp PVTM đã được cộng đồng doanh nghiệp “quan tâm” hơn. Tuy nhiên, đáng lo ngại là hiện nay, tuy nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về PVTM đã cao hơn, nhưng con số này chưa nhiều.

“Trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có bộ phận rà soát các quy định để đưa ra chiến lược hoạt động thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến khi ký đơn hàng, thậm chí là xuất khẩu hàng đi rồi mới biết quốc gia đó đang áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí, vừa qua EU áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu với một mặt hàng thép Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sản xuất và xuất khẩu sang các quốc gia trong khối này”, bà Giang nêu dẫn chứng.

Còn theo ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, không chỉ đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ, mà các sản phẩm nhập khẩu ngày càng bị siết nhằm bảo vệ sản xuất nội địa thông qua việc đưa ra những quy định PVTM. Đây chính là rào cản lớn nhất mà ngành thép phải vượt qua để có thể tận dụng lợi thế EVFTA mang lại.

"Để hạn chế bị thiệt hại, các doanh nghiệp trong phải thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, lưu ý lẫn nhau trong việc nắm chắc pháp luật tự vệ của các nước, theo dõi lượng xuất khẩu vào những thị trường đối tác để có sự điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường, tránh dồn tất cả vào một thị trường sẽ rất rủi ro. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tự khắc phục hạn chế về tài liệu, hồ sơ, chứng từ... để khi bị kiện, có thể giúp việc tháo gỡ dễ dàng hơn", ông Đinh Công Khương - Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai hiến kế.

https://congluan.vn

Được đăng vào

Viết bình luận